Truyện ma trùng lửa
Trước ở quê tớ có một bà chết lâm sàng 3 lần, gia đình báo tang, cả làng đến dự lễ truy điệu mà bà đều bật quan tài sống dậy. Hồi đó bà nội tớ còn sống. Tớ đi học sư phạm cuối tuần được nghỉ nên hai bà cháu ngồi nói chuyện. Bà tớ tự nhiên ngồi ngẩn ra rồi bảo: con Hà có nghe thấy tiếng gì không?
Tớ lắng tai nghe, nghe mãi mà không hiểu là phải nghe cái gì?
Bà nội bảo: có mòng kêu. Chắc chắn hôm nay lại có người chết rồi. Tiếng kêu gần lắm! Vậy là người trong làng mình.
Bà tớ nói câu đó được khoảng 1 tiếng thì nghe hàng xóm nói bà cụ trong làng mất. Bà nội nghe tên bà ấy thì hơi nhíu mày: cụ này mất 3 lần trước đều bất thình lình sống lại. Lần này thì sẽ không qua khỏi nữa rồi.
Nghe bà nói vậy tai tớ tự nhiên bị ù. TỚ không biết có phải tiếng kêu mà bà nói không bèn hỏi: cháu đang nghe thấy tiếng xay lúa. Có phải tiếng bà nói lúc nãy hay không hay là tiếng khác?
Bà gật đầu: uh, là tiếng xay lúa đấy. Người này chết nhưng con cháu cũng gặp hoạ lây rồi.
Và thì sau đó là câu chuyện kì bí về “TRÙNG Lửa”
CHAP 1: Chuyện cái quan tài quý.
Gia đình bà Lân thuộc gia đình phú quý. Thời xưa, bà vốn là nữ địa chủ giàu có. Sau khi đất nước hoà bình, đứng trước làn sóng đấu tố địa chủ trong chiến dịch cải cách ruộng đất, bà đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để đổi lại sự sống cho bản thân và các con.
Bà sinh được tất thảy 4 người con trai và hai người con gái. Cũng do có tiền nên các con bà được học hành đàng hoàng, 3 người con trai đều đi du học nước ngoài trở về nước lập nghiệp đều có tên tuổi trong giới doanh nhân. Làm lớn nhất là con trai thứ 2 của bà. Bác làm tới tổng giám đốc một công ty mỏ, địa chất. Hai người em trai khác đều thành lập công ty và doanh nghiệp có tiếng của thành phố. Riêng con trai lớn của bà hiện tại là chủ của chuỗi cửa hàng vàng bạc lớn bên Quảng Ninh. Hai con gái bà đều lấy chồng định cư nước ngoài.
Nhìn sơ bộ ai cũng phải trầm trồ thán phục đại gia đình của bà bởi ai nấy đều thành đạt, giàu sang, phú quý. Ấy vậy mà bà lại không hề sống cùng bất cứ một người con nào. Bà bám khư khư lấy mảnh đất gia tiên để lại, vẫn ngày ngày sống trong căn nhà cột từ thời các cụ.
Nói tới căn nhà ấy, thời xưa có lẽ là ngôi nhà lớn, đẹp và quý hiếm. Các vật dụng trong nhà trang hoàng đúng phong cách giới địa chủ. Các con bà thấy vậy đã nhiều phen khuyên bà về sống cùng để tận hiếu với mẹ nhưng bà nhất quyết gạt đi.
Biết không khuyên can được mẹ nên các bác cũng cho người tân trang và kiên cố lại ngôi nhà cho mẹ. Các cột, xà nhà được thay thế bằng các loại gỗ quý hiếm. Thậm chí cửa, bàn ghế, giường tủ cũng dần dần thay mới với giá trị cao ngất ngưởng so với một ngôi nhà cũ kĩ.
Bà Lân nhiều tuổi hơn bà nội tớ nhưng sức khoẻ rất tốt và cực kì minh mẫn. Bà hệt như con ong chăm chỉ, cả ngày luôn tay chân với mảnh vườn, luống rau …
Vậy mà đột nhiên bà Lân nghĩ tới cái chết. Bà gọi điện thoại bắt chú Dũng phải làm cho bà một chiếc ảnh thờ. Thật ra ở quê tớ ngày ấy làm ảnh thờ cho mình trước không phải là chuyện lạ lẫm gì. Ngay như chính bà nội tớ lúc ấy đang khoẻ mạnh nhưng cũng đã gọi thợ làm ảnh thờ trước đó cả chục năm. Bà còn nói ảnh thờ làm sớm, chụp lúc khoẻ mạnh và vui vẻ thì ảnh mới đẹp, sau này con cháu cúng bái nhìn cái ảnh đẹp cũng đỡ bị ám ảnh.
Bà Lân yêu cầu như thế làm các con cũng ngạc nhiên bội phần. Tuy nhiên bác Phụng con trai lớn của bà lại không đồng ý. Bác nói đó không phải việc gì quá lạ lẫm nhưng mà gia đình đang thịnh tự nhiên lại gọi thợ tới làm ảnh thờ sợ ảnh hưởng xấu đến vận số, sẽ mang theo những điều không may tới cho đại gia đình.
Bác Phụng phân tích như vậy làm mọi người cũng thấy hợp lý nên khuyên bà Lân không nên làm ảnh thờ quá sớm, rằng bà còn khoẻ mạnh và phải sống thật lâu bên con cháu vui hưởng tuổi già.
Bà Lân nghe vậy không nói không rằng nhưng bà giận ngầm các con. Các con về bà đi bộ một mạch lên nhà thợ ảnh ngay trên đầu làng chụp tấm hình thật đẹp trong bộ trang phục áo dài đội khăn mấn quý phái như thời các bà ngày xưa tự làm ảnh thờ cho mình.
Xong vụ ảnh thờ bà bắt đầu tìm mua quan tài cho mình trước. Thực ra mua quan tài trước hay mua phần mộ trước cho mình cũng không hiếm gặp. Ngay từ thời vua chúa cũng đều chuẩn bị lăng mộ trước khi qua đời. Hay như các vị đại gia thời nay cũng có trào lưu chuẩn bị quan tài độc, lạ cho mình trước khi chết. Bà Lân lần này không nói cho con cái biết việc bà làm mà lẳng lặng nhờ người thăm hỏi mua chiếc quan tài quý.
Ngày chiếc quan tài đưa về nhà được bọc khá kĩ càng, làng xóm đi qua cứ nghĩ bà mua chiếc tủ mới. Có người còn tò mò đứng xem nhưng chiếc quan tài được đưa trực tiếp vào trong nhà ngang đang làm kho của nhà bà Lân. Bà đặc biệt mua thêm trụ đá kê chiếc quan tài lên trên, đặt ngay ngắn giữa cái nhà kho.
Sự việc bà mua quan tài chỉ được lộ ra khi cô hàng xóm sang mượn bà cái mai về đào ao. Bà bảo cô tự vào kho mà lấy. Cô hàng xóm có tính tò mò nên lật trúng ngay chiếc quan tài. Cô ấy sợ hãi hét toáng lên rồi chạy vụt ra ngoài. Bà Lân biết chuyện nhưng cũng không nói gì. Sự việc được đồn đại ra ngoài mang theo những lời chỉ trích và bàn tán không hay về bà Lân. Tuy nhiên bà nghe vậy chỉ bảo: tôi chỉ là chuẩn bị kĩ cho mình trước khi chết. Giờ sống tôi còn minh mẫn tôi tự lo được chứ lúc chết đi nằm im trong quan tài ai mà biết con cháu cho tôi nằm ở đâu? Quan tài cũng chỉ là gỗ, tủ bàn cũng là gỗ, tôi coi nó cũng là khúc gỗ được đục khoét theo ý của tôi mà thôi. Sao mọi người thấy lạ làm gì?
Vâng, nó không lạ ở một số nơi nhưng ngày ấy ở quê tớ là chuyện lạ. Chuyện lạ thì lại càng được người ta bàn tán nói qua nói lại. Các con bà biết chuyện thì nổi giận đùng đùng. Bà thủng thẳng đáp: mẹ muốn làm theo ý của mình. Căn nhà, cái giường, cái áo mẹ cũng tự mua thì chết đi cái quan tài là cái giường mẹ nằm cũng thế. Các con không cần lo lắng. Thời xưa vua chúa cũng tự chuẩn bị quan tài cho mình mà vận khí con cháu họ vẫn tốt, con vua thì vẫn làm vua đó thôi. Các con lớn rồi, làm ông nọ bà kia rồi, vận khí của các con do tự các con tu mà có, nó liên quan gì tới cái quan tài của mẹ? Đứa nào mà lảm nhảm nữa thì đừng về cái nhà này cho đỡ chướng mắt.
Bà nói như thế thì còn bác nào dám ý kiến. Tuy nhiên bác Phụng là không đồng tình. Bác một mặt lặng im cho yên lòng bà, mặt khác bàn bạc với chị em trong nhà thuê người lấy trộm chiếc quan tài của bà Lân mang đi.
Vợ bác Phụng có chị gái hầu đồng mở phủ nên bác Phụng bị ảnh hưởng tư tưởng tâm linh khá nặng. Bác đưa ra ý kiến được sự đồng thuận của chú Dũng. Một kế hoạch đánh cắp chiếc quan tài được vạch ra tỉ mỉ và chu đáo. Đáng tiếc mấy người được thuê ăn trộm chiếc quan tài trong lúc khiêng ra do chiếc quan tài nặng và trơn nên trượt tay. Chiếc quan tài rơi xuống đập thẳng vào chân một người. Anh ta đau đớn, đoán chừng bị dập xương đã không nhin được mà la hét. Sự việc bị lộ, bà Lân tỉnh giấc hô hoán hàng xóm sang bắt trộm. Mấy người được thuê sợ hãi lao vội ra chiếc xe tải mà chạy trốn.
Chiếc quan tài của bà làm bằng gỗ lim, nguyên thân cây đục mà thành. Giá trị chiếc quan tài ấy cực kì cao vì nó là loại gỗ quý hiếm, lại nguyên cây trạm khắc mà thành. Bà Lân tuy già nhưng tài sản bà tính bằng những ống cân vàng, việc bà mua chiếc quan tài quý không phải là chuyện lạ. Người ta vẫn đồn bà tích cóp được lượng vàng ròng lớn và được cất ở một nơi bí mật không ai biết. Cũng bởi do lời đồn “tỉ phú vàng ròng” mà các con bà cũng ngày đêm lo lắng cho an toàn của bà vì lỡ trộm đạo ghé thăm nên lắp hệ thống an ninh và camera giám sát dày đặc trên quanh nhà. Vậy mà ngày mấy tên trộm vào nhà lấy quan tài bà lại không biết nên bà gọi cho các con về họp gia đình tuyên bố từ mặt con nếu các bác cố tình cho người lấy chiếc quan tài của bà.
Các bác đoán chắc bà phát hiện ra bất thường nhưng vẫn chối quanh co không ai chịu nhận đã làm việc đó. Bà giận lắm, bà nói một hồi rồi đột ngột tức ngực khó thở. Các bác sợ hãi vội vã đưa bà đi cấp cứu. Bà mệt nhưng vẫn dặn dò tuyệt đối không ai được phép mang chiếc quan tài của bà đi. Ai làm trái ý bà thì bà có chết cũng không bao giờ nhắm mắt.
Sau sự cố làm bà giận phải nhập viện không ai dám có ý định làm trái ý bà do bác sỹ dặn dò tuyệt đối không được làm cho bà tức giận và kích động mạnh. Sức khoẻ của bà có dấu hiện đi xuống sau thời khắc ấy. Con gái của bà nghe tin mẹ bệnh nên đặc biệt bay về nước chăm sóc mẹ già.
Mọi người cũng bàn bạc việc đón bà Lân sang ở cùng tiện bề chăm sóc do bà tuổi đã cao và sức đã yếu dần. Không hiểu sao bà nhất quyết không đi. Bà nói: nhà này của mẹ, sống chết gì mẹ cũng phải ở lại đây giữ nhà. Có chết mẹ cũng chết tại đây, không ai được phép đưa mẹ đi đâu.
Cô Lan đáp: mẹ cứ như vậy chúng con làm sao mà yên tâm làm ăn? Hay con đón mẹ sang bên kia với con, con cũng nghỉ làm chỉ ở nhà chăm lo nhà cửa cũng tiện bề chăm sóc mẹ. Mẹ muốn đi chùa con cũng đi chùa cùng mẹ. Bên ấy chùa chiền cũng không ít hơn quê mình.
Bà xua tay: mẹ mà đi thì bố các con sẽ buồn lắm. Mẹ ở đây với ông ấy.
Cùng bất đắc dĩ các con bà phải thay phiên nhau về ở cùng chăm sóc bà hàng ngày. Mọi người bàn bạc thuê thêm người giúp việc, giúp việc là cái cớ, chủ yếu là để bà có người bên cạnh, ngộ nhỡ xảy ra sự việc ngoài ý muốn. Tuy nhiên bà một mực phản đối. Bà nói rằng bà còn khoẻ, không cần thuê người ở, và đặc biệt bà không muốn thấy người lạ trong nhà.
Cô Lan nghe bà nói vậy mà ngạc nhiên: chẳng phải chúng ta ngày trước có cả tá người giúp việc và người làm công hay sao?
Bà đáp: đó là chuyện ngày xưa, bây giờ mẹ không cần. Mẹ muốn an tĩnh một mình.
Mọi người thấy bà phản đối gay gắt nên cũng không nói nhiều về việc ấy nữa. Cô Lan quyết định ở nhà với mẹ hai tháng với bay về Mỹ.
Sau khi cô Lan về Mỹ thì con gái sau của bà thay chị từ Canada trở về chăm sóc mẹ. Cô Thoan và bà Lân không hợp nhau nên hai mẹ con ít khi nói chuyện, tâm sự. Dạo này bà Lân lại thay đổi kì lạ. Bà thậm chí còn chỉ cho cô biết về lá di chúc bà lập gửi luật sư và một bản đồ nơi bà cất giữ tài sản.
Gọi là cái bản đồ nhưng thực tế nó là mẩu giấy ghi chép lại vị trí bà cất giấu cái hũ vàng. Cô Thoan bảo bà tốt nhất không nên mang theo bên mình mà lấy hết lên gửi vào ngân hàng để nhà nước giữ giúp. Nếu sau này bà muốn sử dụng như thế nào thì ghi trong di chúc là được, đỡ phải suy nghĩ nhiều chuyện tiền bạc.
Bà đáp: nhà nước chỉ cướp của dân chứ làm gì có giữ giúp. Tốt nhất của mẹ thì mẹ giữ.
– Nhưng mẹ già rồi, chúng con cũng không để mẹ thiếu thốn bất cứ thứ gì cả. Mẹ muốn gì chỉ cần hô một tiếng có người dâng tới tận tay. Mẹ khư khư giữ cái tài sản ấy bên mình coi chừng gặp hoạ. Trộm cướp giờ giết người như ngoé ấy. Tốt hơn hết là mẹ làm gì, hay cho ai thì mẹ cho luôn đi. Mẹ cứ giữ bên người rồi lo mất trộm mà ốm thì khổ.
Ba tháng sau
Cả hai con gái bà đều trở về nước. Vợ bác Phụng tới phiên tới ngủ cùng mẹ chồng. Đây là lần đầu tiên bác Gái ngủ ở căn nhà ấy. Cảm giác lạ nhà làm bác không tài nào chợp mắt. Ban đêm trong nhà lại có tiếng nói chuyện rì rầm làm bác hoang mang. Bác nhỏm người dậy thấy bà Lân đang ngồi ở ghế thủ thỉ nói chuyện một mình. Bác bật đèn phòng lên hỏi: mẹ ơi, đêm rồi, mẹ đi ngủ cho khoẻ.
Bà Lân không đáp lại lời của bác Gái. Bác nghĩ ngay tới chuyện mộng du và mê sảng. Bác điện thoại cho chồng: mẹ bị mộng du rồi anh ạ, có cần đưa mẹ đi khám bệnh viện không anh? Em lo quá! Mẹ cứ nói chuyện một mình. Em gọi mẹ cũng không đáp.
Bác Phụng: mình ngồi cạnh mẹ, tránh mẹ đi lại ngã thì khổ. Mai anh sẽ thu xếp cho mẹ đi kiểm tra. Trước giờ anh không nghe cô Lan và cô Thoan nói mẹ mộng du bao giờ cả.
Bà Lân cứ ngồi nói chuyện cả đêm. Bà nói gì bác Gái nghe không rõ. Tất cả là âm thanh rù rì rất khẽ phát qua cổ họng của bà. Bác Gái mặc dù rất mệt nhưng tuyệt nhiên không dám rời mắt khỏi mẹ chồng.
Bà Lân rất lâu sau đứng bật dậy chỉ tay ra cửa mà ú ớ những câu không rõ. Khuôn mặt bà đang ngạc nhiên rồi chuyển sang tức giận làm bác Gái cũng hoảng hốt theo. Bác lao lại đỡ lấy mẹ chồng đang dần gục xuống. Người bà mềm nhũn ra. Bác ôm lấy bà rồi nhanh tay bấm gọi cho chồng tới đưa bà đi cấp cứu.
Ba giờ sáng tại nhà bà Lân ồn ào do con cháu tập trung bàn tán qua lại. Bà Lân ấy vậy mà lịm đi không biết gì. Mọi người nhanh chóng đưa bà vào viện. Bà chỉ như người đang ngủ. Sáng ra bà tỉnh táo như không có chuyện gì xảy ra.
Sự việc đó qua đi, sau đêm ấy bà không còn bị mộng du thêm lần nào nữa. Bà tỉnh táo nói chuyện, sinh hoạt bình thường. Sức khoẻ bà tiến triển tốt hơn so với bình thường. Bà vui vẻ, đi thăm thú hết nhà người này tới nhà người kia.
Một ngày, bà đột ngột gọi điện cho bác Phụng nói: mẹ muốn tới nhà con ở vài ngày. Con không thấy phiền chứ?
Bác Phụng nghe tin mẹ báo mà sửng sốt vô cùng bởi lẽ trước giờ bà chưa khi nào chủ động tới nhà bác. Thậm chí bác khuyên gãy lưỡi bà cũng khư khư bám lấy ngôi nhà cột không chịu rời đi lấy một ngày.
Bà Lân thấy con trai không đáp bèn nói: mẹ già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa. Ngày mẹ vào quan tài chắc chẳng còn bao xa. Mẹ chỉ muốn tới nhà các con ở cùng các con mấy ngày. Đây là mong ước cuối đời của mẹ.
Bác Phụng mắng át bà đi và về đón bà về nhà. Bà dặn dò: mẹ đi chơi dối già, không đứa nào được phép động tới chiếc quan tài của mẹ. Nếu trái ý mẹ đừng mong mẹ chết mà nhắm nổi mắt.
Theo đúng ý bà, chiếc quan tài được đặt yên vị trong căn nhà ngang mà không ai được động đến. Bà đi con trai chú Dũng tới nhà ngủ trông nhà giúp cho bà. Tuy nhiên cu Tùng cứ nằm xuống lại nghe thấy tiếng nói lọt vào tai làm cậu sợ hãi. Cậu mở nhạc nghe tai nghe cho quên đi âm thanh lạ lẫm trong nhà. Tuy nhiên lúc cậu ngủ thì lại có người kéo tay cậu dậy. Lúc mở mắt ra cậu thấy mình đang nằm trong chiếc quan tài ấy tự bao giờ. Cậu ra sức la hét thì lắp chiếc quan tài từ từ đóng lại.
Quá sợ hãi cậu gào lên: thả tôi ra! Mau thả tôi ra.
– Cứ từ từ! Sẽ nhanh thôi! Đừng kêu gào vô ích.
Khi lắp chiếc quan tài đóng chặt lại là cảm giác lạnh thấu xương vây lấy cậu. Đột ngột, trong quan tài nóng đến kì lạ. Sức nóng của nó làm cậu cảm giác muốn chín da thịt. Cậu không còn sức mà dãy dụa cứ thế từ từ lịm đi.
Sáng hôm sau, tay chân cậu tím bầm, lem luốc. Cậu sợ hãi nói chuyện với mẹ về giấc mơ kì lạ. Mẹ cậu cũng lo lắng lắm liền điện thoại cho bác Gái nhờ bà bác giải mã giấc mơ. Bác Gái nghe vậy càng thêm hoang mang liên gọi điện cho chị gái kể lại tình hình. Bác Linh nghe câu chuyện thở dài: kì lạ! Quan tài mà có người sống bên trong thì chẳng phải là điềm báo chuyện chẳng lành hay sao? Chuyện này chắc chắn có liên quan đến cái quan tài ấy. Tôi đã bảo dì khuyên chú Phụng đưa chiếc quan tài ấy đi còn gì nữa.
– Nhưng mà mẹ em không đồng ý.
– Hoạ! Là hoạ rồi! Tôi không biết nó là cái gì nhưng tuyệt đối không được để chiếc quan tài ấy trong nhà.
– Vâng! Để em bàn với nhà em chuyển chiếc quan tài ấy đi.
Bà Lân nghe thấy con dâu nói vậy bèn quay ngoắt vào nhà thu dọn quần áo một mực đòi về nhà, quyết không ở lại nhà bác Phụng nữa. Vợ chồng bác Phụng hết mực can ngăn nhưng bà không nghe. Bà tự mình bắt xe trở về nhà ngay sau đó. Bác Phụng thấy bà nổi giận vội chạy theo đỡ bà rồi tự lấy xe đưa bà trở về. Bác Phụng ở lại nhà bà Lân luôn hôm ấy để kiểm chứng giấc mơ của Tùng. Tuy nhiên đêm ấy bác hoàn toàn không mơ mộng chuyện gì lạ.
Sáng hôm sau, bác Phụng dậy sớm chạy vài vòng tập thể dục. Hơn 7h bác chưa thấy mẹ dậy nhưng nghĩ bà mệt nên để cho bà ngủ thêm. Bác mở cửa nhà ngang thì bất ngờ phát hiện chiếc khăn chùm quan tài bị rơi ra tự khi nào. Bác linh tính chuyện chẳng lành, tim bác đập loạn xạ.
Cô Yên vợ chú Dũng biết mẹ về nên mua đồ ăn sáng sang cho bà. Cô thấy mình bác Phụng đứng ngây ra trong nhà ngang bèn hỏi: bà đi đâu rồi bác?
– Chắc bà mệt nên ngủ cố. Cô gọi bà dậy đi.
Cô Yên vào giường gọi bà mấy câu liền bà không trả lời. Cô sờ vào người bà thấy lạnh mới hốt hoảng: bác…bác ơi! Bà …bà… làm sao rồi? Tay chân bà lạnh lắm!
Bác Phụng vội vàng chạy vào thấy bà nằm ngay ngắn trên giường nhu người ngủ say. Chú nhìn bụng bà không thấy phập phồng thở mới đưa tay lên mũi thử.
– Chết rồi!
Bác buột miệng nói làm cô Yên run tới đứng không vững. Bác vội vàng đưa bà vào viện cấp cứu.
Chiếc xe lao vun vút đưa bà Lân tới viện. Bác sỹ lắc đầu thông báo không kịp cứu chữa. Lời bác sỹ như tiếng sét bên tai. Bác lắp bắp: sao có thể chứ? Mẹ…mẹ tối qua rất bình thường. Mẹ vui vẻ và ăn hai bát cơm. Mẹ còn nói hôm nay muốn tới nhà chú Dũng chơi. Mẹ…ơi!!!!
Còn tiếp
ngóng phần tiếp, cám ơn tác giả!!!
Viết hay quá