SAO LẠI LÀ TÔI?

Học sinh tôi dạy ở cùng gia đình người chị họ trong một căn biệt thự. Cô bé ở quê ra, ngoan, chăm chỉ và hay tranh làm việc nhà với bác giúp việc “Vì cháu quen tay mất rồi. Hi, hi!”. Việc học của cô bé ổn. Câu chuyện của tôi là về chị chủ nhà.
Tôi mới chỉ gặp chị ấy một lần, hôm chị mời tôi đến dạy học. Ấn tượng của tôi về chị là một phụ nữ hiện đại, tự tin qua ánh mắt nhìn thẳng và cái bắt tay rất chặt. Chị làm kinh doanh, đi tối ngày, giờ giấc chẳng có quy luật gì. Bác giúp việc thì cứ than vãn về việc cứ phải đổ thức ăn đi với câu cửa miệng: “Tiền triệu cả đấy chứ có ít đâu. Xót hết cả ruột. Ở quê tôi thì là cả bữa cỗ đấy. Rõ khổ!”. Vì vậy, trong một lần gặp gỡ hiếm hoi tôi mới bảo: “Cháu phải chú ý cân bằng giữa công việc và sức khoẻ. Không khéo bao nhiêu của cải làm ra lại không còn sức mà hưởng, gió mưa nó hưởng hộ đấy”. Chị ấy bỗng có nhã hứng kéo tôi lại để giãi bày một cách rất “tự hào, sung sướng, hãnh diện” về sự bận bịu không thể dứt ra được của mình.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện thật vui vẻ. Phía chị chủ nhà là nói về nguyên nhân phải đi yến tiệc liên miên mà như chị ấy nói vui khiêm tốn là “cơm hàng, cháo chợ”, rằng nhiều khi con gái mà vẫn cứ phải “chén chú, chén anh” đến mức say sưa túy lúy không thể chối từ, có làm kinh doanh mới hiểu…”Nhưng mà, sống thế cũng thú vị lắm, thầy ạ!”, cuối cùng chị chốt chắc nịch, không quên cầm chai rượu mạnh rót thêm vào cốc cho tôi, mặc dù tôi đã từ chối ngay từ đầu.
Tôi vui vẻ ngồi nghe chị ấy nói xong rồi bảo: “Thứ nhất, làm kinh doanh mà phải say sưa bét nhè là hạng “tép riu”, còn chỉ một ngụm theo kiểu “miếng trầu là đầu câu chuyện” mà việc vẫn đâu ra đấy mới là dạng có “số má” chứ cháu!”. Chị ấy cười rú lên vì “Thầy thật đúng là chẳng hiểu gì về kinh doanh cả. Nhưng mà cái cách thầy nói em thấy ngộ quá. Giáo viên mà nói về kinh doanh nghe lạ thật đấy.”
Tôi cười rồi nói tiếp: “Thứ hai, cháu nên hạn chế tối đa ăn ngoài vì vấn đề an toàn thực phẩm. Chưa bao giờ “từ bàn ăn ra nghĩa địa” gần như bây giờ. Vì vậy, bữa tối cháu cố gắng về ăn cơm nhà, còn bữa trưa mà không phải đi tiếp khách thì cháu bảo bác giúp việc chuẩn bị đồ ăn mang theo. Như thế sẽ tốt hơn nhiều đấy”. Chị ấy lại cười nghiêng ngả vì “Eo, nói chuyện với thầy vui thật đấy, cứ y như là xem truyền hình bằng tai về cái thời bao cấp ấy. Em cũng có nghe bố mẹ em kể về cái món cặp lồng này. Ối giời ơi! Em mà mang đi thì tụi nhân viên của em nó lồng khung kính mà treo lên ngay ấy chứ, còn đâu cơm với cháo đến bữa mà ăn hả thầy”.
Đợi chị ấy cười xong tôi nói tiếp: “Thứ ba, nếu cháu không thể thay đổi nhịp sinh hoạt này thì cháu nên làm những việc sau càng nhanh càng tốt: 1). Ăn đúng bữa, ngủ đủ giờ, đừng thức khuya. 2). Hạn chế tối đa uống rượu bia và các món ăn có màu khi ăn ngoài. 3). Mua ngay một gói Bảo hiểm với điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt nhất vì cách sống của cháu là rất rủi ro cho sức khoẻ”. Chị ấy lại cười đến mức suýt sặc cả nước vì “Khiếp, thầy mà đi bán Bảo hiểm thì có mà kiếm được cả mấy bao tải tiền. Có khi cả Công ty em phải mua hết luôn.”
Tôi đổi tư thế ngồi rồi nói tiếp: “Thứ tư, cháu phải biết ông thầy Bệnh Tật là ông thầy rất nghiêm khắc, nghiêm khắc đến mức độc ác và tàn nhẫn. Với những học sinh không học bài, không vâng lời là ông ấy phạt rất nặng, không cho cơ hội để sửa lỗi. Thậm chí hình phạt là mất mạng đấy”. Chị ấy cười ré lên và ngồi ngã nghiêng trên ghế sopha vì “Trời ơi, thầy mắc bệnh nghề nghiệp nặng quá rồi. Nhìn ai cũng thành học trò, nhìn đâu cũng thấy hình phạt. Nói chuyện với thầy mà yếu bóng vía thì vỡ tim mà chết mất thôi”. Nói xong chị lại cười đến chảy cả nước mắt.
Tôi uống ngụm nước, đợi chị bớt cười rồi nói: “Cuối cùng, cháu phải nhớ Sức khoẻ là số 1, tất cả những gì còn lại dù đắt giá đến đâu về vật chất hay tinh thần cũng chỉ là những con số 0 đằng sau con số 1 đó. Vì vậy, nếu cháu có Sức khoẻ thì những gì cháu có sẽ giúp cho cuộc sống của cháu đủ đầy, hạnh phúc, thăng hoa. Còn một khi cháu đã mất Sức khoẻ rồi thì tất cả những thứ đó chỉ còn như đồ cúng tế dâng lên cho ông vua Sức khoẻ vừa mới băng hà!”. Chị ấy lại cười ngặt nghẽo, ho sặc sụa phải chạy vội vào nhà vệ sinh để hỉ mũi. Hồi lâu chị ấy quay ra tay vẫn còn phải ôm bụng, mặt mũi thì đỏ như con gà Đông Cảo rồi nói “kháy” tôi rằng: “Khiếp. Ai bảo thầy dạy Hoá, thầy dạy Văn thì có. E phải cho cô giáo dạy Văn nghỉ để thầy dạy luôn cả cái môn này cho em của em nữa”. Tôi cũng cười toét miệng vì dáng vẻ tươi vui và những câu đối đáp của chị. Tôi nhìn đồng hồ rồi đứng dậy nói lời tạm biệt: “Thôi, chú nói xong rồi. Mong là được nhìn thấy cháu luôn vui khoẻ thế này. Nói chuyện với cháu chú cũng thấy vui quá. Cảm ơn cháu!”.
Chị ấy tiễn tôi ra cổng. Khi quay đi rồi tôi vẫn còn nghe tiếng chị cười khúc khích phía sau cánh cổng.
Sau đấy, tôi và chị chủ nhà có gặp nhau đôi lần, cũng chỉ kịp cười nói lời chào xã giao rồi đi ngay vì chị dường như lúc nào cũng vội.
**
Thời gian trôi nhanh, đã hơn 2 năm kể từ câu chuyện hôm ấy. Cô học sinh đã lên lớp 12, cả thầy và trò đều bận rộn hơn cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học.
Sau Tết âm lịch tôi đến dạy thì cứ nghe văng vẳng tiếng ai đó gào khóc: “Sao lại là tôi. Tôi có tội tình gì đâu. Sao lại là tôi. Tôi có làm hại ai bao giờ đâu. Trời ơi là trời. Trời ơi là trời”… Những câu nói cứ khiến tôi ám ảnh quá. Rồi cách mấy tuần sau, khi đang dạy học tôi lại nghe tiếng ai đó khóc gào: “Làm sao tôi chết được đây. Làm sao tôi cam lòng mà chết được đây. Sao lại nỡ tàn ác với tôi đến vậy hả Trời”… Lần này tiếng nói như đập ngay ngoài cánh cửa. Trước vẻ mặt sửng sốt của tôi, cô học sinh mắt bỗng đỏ hoe nói: “Chị em đấy ạ”. Tôi sốc quá “Chị ấy bị làm sao?”. Cô học sinh sụt sịt: “Chị ấy bị ung thư, đã đi Sing, đi Mỹ rồi, nhưng bác sỹ bảo không chữa được ạ”. Tôi vội xin lỗi cô học trò rồi nhờ bác giúp việc đưa lên tầng 3 thăm chị ấy.
Tôi mở cửa bước vào. Cảnh tượng khiến tôi vô cùng sửng sốt. Tôi vội bước tới và ngồi xuống cạnh giường. Chị ấy nắm lấy tay tôi và khóc nghẹn ngào: “Thầy ơi, sao em lại không nghe lời thầy chứ. Thầy ơi, em cứ nghĩ là thầy bị ngộ chữ rồi, nên nhìn đâu cũng chỉ thấy bệnh tật, chết chóc thôi. Thầy ơi, em hối hận lắm rồi. Thầy ơi, thầy ơi thầy em phải làm gì bây giờ đây, hả thầy?”.
Tôi ngồi đó lặng im không nói nên lời. Vẫn biết lối sống mà chị ấy chọn là rất rủi ro cho sức khoẻ, nhưng sao trong lòng vẫn thấy xót xa cay đắng thế. Tôi nhẹ gỡ cái khăn mỏng đẫm đầy nước mắt kẹp giữa cái má hóp và cái gối để thay cho chị cái khăn khác. Chị ấy lại lần nữa nắm chặt tay tôi rồi nức nở: “Thầy ơi, thế là em cướp công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ em rồi. Sau này ai thay em phụng dưỡng bố mẹ em đây. Em cướp cả tương lai của 2 đứa con em nữa. Rồi đây ai có thể thay em để yêu thương, chăm sóc chúng nó đây. Thầy ơi, em cũng phụ cả chính em rồi!”.
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn gầy guộc của chị mà lòng tê tái xót xa. Mới chỉ đó thôi, đôi bàn tay này dường như đang nắm được tất cả, làm chủ tất cả. Thế mà giờ đây dường như nó chỉ còn được treo vào cuộc sống bằng một sợi tơ chỉ mỏng manh. Tôi mới chỉ nói chuyện với chị hai lần, lần trước trong đầy ắp tiếng cười, lần này trong nghẹn ngào tiếng nấc. Thật khó chấp nhận nổi sự thật tàn khốc này. Lòng nặng trĩu, tôi lặng lẽ bước chậm rời khỏi phòng, để lại phía sau bao tiếng sụt sùi, nức nở…
Tuần sau đến dạy tôi lại lên thăm chị ấy, nhìn thấy tôi chị nhoẻn miệng cười. Nét cười như gió mùa thu, nhẹ nhàng nhưng se lạnh thổi tràn qua cánh đồng mênh mông đầy cỏ úa. Chị nói khe khẽ mấy câu gì đó, mà sao tôi nghe như tiếng gió lao xao đang vui đùa trong đám cỏ khô. Tôi cầm tay chị vuốt nhẹ thay cho lời chào.
Một lúc sau, bỗng nhiên chị ấy kéo tôi xuống giọng thì thầm đứt quãng như từ nơi nào đó xa lắm vọng về: “Thầy ơi thầy, em biết lỗi rồi. Dù cho có phải trải qua vạn kiếp nào thì em cũng xin được trở lại kiếp này để được làm nốt những gì đang còn dang dở”. Tôi vội ngước nhìn lên cho nước mắt khỏi rơi nhưng trong lòng tôi nước mắt rơi lã chã. Chao ôi, cô học trò bé nhỏ. Cô học trò ương bướng hôm nao. Nay cô ấy biết lỗi rồi, cô ấy không dám còn hư nữa. Xin ông thầy Bệnh Tật hãy tha thứ cho cô ấy đi. Nhưng tôi biết đấy là lời nguyện cầu vô vọng. Tôi nắm nhẹ bờ vai gầy mỏng manh chị ấy và bảo: “Cháu ạ, cho dù con người có muốn ngàn lần thay đổi để sửa chữa lỗi lầm thì nhiều khi Tạo hoá cũng không cho ta cái quyền được làm như thế. Vì vậy, dù cho có hối hận bao nhiêu đi chăng nữa thì ta vẫn phải trả giá cho những gì đã làm. Ta không thể thay đổi quá khứ, điều duy nhất ta có thể làm là rút được bài học từ quá khứ. Bây giờ cháu cứ nằm đây và than khóc thế này thì cũng chẳng giúp ích gì được cho cháu cả. Có khi cháu lên mạng chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của mình cho mọi người lại hay hơn đấy”.
Chị ấy bỗng nắm chặt tay tôi: “Ôi, thầy nói đúng quá”, nhưng giọng chị trùng ngay xuống: “Thầy ơi, chắc là không kịp nữa rồi, em nghe trong mình yếu lắm”. Chị ngoái nhìn ra khung cửa sổ – nơi có những chùm lá xanh đang vẫy mình đùa vui trong nắng gió cùng với tiếng chim ca – nghĩ ngợi hồi lâu, bỗng chị quay lại giật giật tay tôi: “Thầy ơi, thầy viết giúp em được đấy. Nhưng mà thầy phải viết thật nhé, thầy phải viết thật vào để mọi người hiểu và đừng mắc lỗi như em”. Nghỉ một lúc chị nói tiếp: “Mà thầy ơi, khi nào viết xong thầy nhớ in ra một bản, đốt thành tro rồi gửi vào trong gió để em ở nơi nào đó trên cao kia cũng được đọc nó nhé”.
Lần này thì tôi không thể nào ngăn được dòng nước mắt chảy tràn trên má. Có một cái gì đó bóp nghẹt tim tôi, trong phút chốc tôi không sao thở được. Chị ấy cười rúm ró khó nhọc: “Eo ơi, thầy khóc kìa, xấu quá đi”. Chị cầm cái khăn nơi đầu giường, cố với tay lên để lau nước mắt cho tôi. Tôi vội cúi xuống để má tôi chạm vào tay chị. Rồi tôi quỳ xuống bên cạnh giường để ôm lấy chị, qua lớp chăn mỏng tôi nghe tiếng nước mắt chị nuốt vào trong và tiếng chị run rẩy, thầm thì khe khẽ: “Thầy ơi, em xin lỗi. Em ngàn lần xin lỗi. Kiếp này em chỉ còn biết cúi đầu xin lỗi mọi người thôi!”.
Một thời gian sau thì chị ấy mất, để lại phía sau bao tiếc nuối. Chị ấy đã mãi ra đi ở tuổi 35. Cái tuổi mà “hạt trên bông đã mẩy, quả trên cành đã sây”. Cái tuổi mà mỗi chúng ta đang gặt hái thành quả sau bao tháng ngày trau dồi, tích lũy, dựng xây. Cái tuổi mà ta đã nếm trải đủ đầy để hiểu được thế nào là thành, bại, tồn, vong. Cái tuổi mà mỗi người đều đã bước qua một vài giông gió để biết trân trọng những gì đang có và cả những gì đã mất đi…
Tôi đứng trước bàn thờ chị mà lòng quá đỗi xót xa. Sau màn hương khói sao như tôi thấy bóng chị vừa mới lướt qua với tiếng cười giòn tan vui vẻ.
***
Chỉ mấy hôm nữa thôi là đến ngày giỗ của chị ấy rồi, tôi viết những dòng này xin gửi theo làn khói hương nhẹ nhàng uốn lượn từ từ bay lên tìm đến cõi nào ở nơi xa xôi ấy để lại trò chuyện với chị thêm lần nữa.
Tôi viết những dòng này để thực hiện nguyện ước của chị, để thay chị kể lại đoạn cuối ngắn ngủi đầy đau đớn và bi thương của cuộc đời mình như là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn đang sống, còn đang khoẻ mạnh làm chủ cuộc sống của mình. Rằng cuộc đời mỗi người đều có một giấc mơ, vậy thì hãy là người thắp ngọn nến đó đến giọt sáp cuối cùng, chứ đừng làm người phũ phàng thổi tắt nó. Rằng hãy làm ngay những gì có thể, đừng để mình trở thành nạn nhân của chính mình và đừng để Thần chết dồn đẩy mình vào bước đường cùng không còn lối thoát.
Tôi viết những dòng này để thay chị gửi một lời kêu gọi đến tất cả mọi người trên tất cả các diễn đàn hãy nói không với thực phẩm bẩn, hãy chung tay chung sức cùng làm giảm bớt mọi loại ô nhiễm môi trường. Ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay hãy làm ngay những gì có thể cho một cuộc sống xanh, cho một tương lai xanh không chỉ cho nơi bạn ở mà cho tất cả mọi người.
Tôi viết những dòng này cũng là để thay chị xin được gửi đến các bạn lời nhắn nhủ cuối cùng: “Khi sinh ra chúng ta không có quyền lựa chọn năm sinh tháng đẻ, không có quyền lựa chọn quốc tịch, màu da… Nhưng khi lớn lên chúng ta có quyền lựa chọn cho mình một lối sống. Một lối sống lành mạnh mà nó làm nền tảng để trên đó ta có thể tự do nhảy nhót khóc cười; để trên đó ta có thể tự do học tập, lao động, sáng tạo và cống hiến; để trên đó ta có thể nắm tay nhau cùng lớn lên, trưởng thành rồi già đi bên những người yêu quý và để trên đó ta có thể thoải mái hạnh phúc tận hưởng đến tận cuối đời những gì do sức ta đã ngày đêm khuya sớm cần mẫn làm ra!”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *