Vá đồng
Thằng bé mở to đôi mắt đen nháy ra, hỏi Phấn. “Quê là gì hả mẹ?”. Phấn chưa kịp nói gì thì Sợi mở choàng mắt, nghiêng người sang một bên, nhặt lấy bắp ngô lợn gặm nham nhở ném vào ngực Phấn rõ mạnh. Thằng cu con im tịt, dù nó đã định hỏi mẹ nó mấy câu, nhân khi bố nó thiu thiu ngủ. Nó định hỏi là bao giờ mẹ đưa anh em nó về quê ăn Tết và sao lâu không thấy bà ngoại lên chơi.
Nhà Phấn ở đầu bản, chỗ người đi chợ, người đi nương về dừng nghỉ chân xin nước uống cho người, cho ngựa. Người lạ ở xa đến cũng dừng chân hỏi thăm đường. Thế nên, việc họ tiện thể mà hỏi han đến quê quán của Phấn cũng thường xuyên. Mỗi lần Phấn mặn mà trò chuyện với họ, là y như rằng những thứ đồ đạc vốn đã sơ sài trong nhà cứ bay vèo vèo ra sân. Cái nào vỡ được thì vỡ, cái nào gãy được thì gãy, cái nào lành thì cũng để dành cho lần sau. Dần dà, Phấn ráo hoảnh mỗi khi ai đó nhắc đến quê. Cái vùng quê đó, nơi chôn rau cắt rốn của cô đó, giống như một mảnh nương Phấn cố tình để hoang và cũng chẳng muốn ai nhắc đến hay đặt chân vào đó nữa. Đó là nơi để riêng Sợi tìm đến mỗi lúc say mèm. Chỉ Sợi mới có quyền sục sạo, phá phách cho tan hoang mảnh nương ấy. Sợi trì chiết. Cái quê mày ấy à? Quá khốn nạn thì mới sinh ra một con đàn bà như mày. Phấn vẫn thường im lặng. Nhưng cũng có lúc, Phấn ngẩng cao đầu mà đáp trả. Như tôi thì làm sao? Sợi muốn lao đến, vồ lấy mái tóc đen, dài đến tận eo của Phấn mà xoắn chặt rồi gằn từng tiếng. Để trăm thằng nhìn thấy mày, cả trăm thằng nó muốn đè ngửa mày ra, đồ chó chết. Ánh mắt Sợi khi ấy giống như con dao sắc, đốn chân tay Phấn rụng rời. Mà Phấn chỉ khẽ cười. Phấn cười hay khóc cũng đẹp. Phấn vui hay buồn, tư lự hay giận dữ đều đẹp. Từ lâu, Sợi rất sợ nhìn thấy Phấn cười. Vì Sợi biết, nụ cười của Phấn là đỉnh điểm của sự chống đối mà không một lời nói hay cử chỉ nào có thể diễn tả tốt hơn. Cưới Phấn được hai năm, Sợi vừa kịp gieo vào bụng Phấn giọt máu của dòng họ Hoàng thì tai nạn đổ ập xuống. Sợi phải cắt bỏ đôi chân…
Thấy Phấn ngồi bó gối bên bực cửa, thằng bé lên mười sà lại, sờ tay vào bàn chân không đi dép của Phấn mà hỏi. Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc? Phấn lau nước mắt, mỉm cười. Con bé thì không hỏi gì, nó ngồi xuống chỗ còn lại bên cạnh mẹ, cọ cái cằm xinh xinh vào đầu gối Phấn mà thủ thỉ. Chán bố thật đấy. Sợi nghe lọt tai câu ấy, bèn vớ cái ghế gỗ duy nhất trong nhà quăng ra sân, kèm theo tiếng quát nhão như bùn của thằng say rượu ngày ba bữa nối vào nhau. Chán thì chúng mày cút hết khỏi nhà tao! Tao cần gì chúng mày! Phấn rùng mình khi nhìn vào mắt thằng bé lên mười. Ánh mắt thằng bé như xúi giục Phấn, rằng. Chúng ta hãy bỏ đi mẹ ạ. Chúng ta sẽ không phải chịu đựng thêm nữa. Trong lúc hoang mang, rối bời như thế, Phấn siết chặt tay hai đứa con. Đứa con gái không ngẩng lên, không nhìn mẹ bằng cái nhìn của thằng anh song sinh. Nó cúi gằm xuống đất và hai hàng nước mắt cứ việc lăn qua đôi má bầu bĩnh trắng hồng mà rơi xuống mu bàn chân thon thót. Tiếng đổ vỡ ngay sau lưng ba mẹ con lại vang lên. Sợi đang đập phá thứ gì đó còn sót lại của cơn say trước, kèm theo những lời nói tục tĩu, bẩn thỉu.
Người đến để thu dọn những đổ vỡ và khuyên bảo Sợi bao giờ cũng là anh rể của Sợi. Nhìn thấy bác rể, hai đứa con Phấn như tìm được chỗ dựa nên bớt run. Tàm là người đàn ông cao lớn, trạc bốn mươi, có bộ râu quai nón, thoạt nhìn nom rất dữ tợn. Thấy Tàm, Sợi như nhìn thấy một bản giao kèo viết bằng máu, nên ngồi im trên chiếc xe lăn mà chính Tàm sắm cho Sợi để tiện đi lại. Nhưng ánh mắt Sợi nhìn Tàm như thách thức. Vợ tao, tao đánh, chửi, hay giết chết là quyền của tao. Mày chả là cái thá gì. Sợi cố tình di chuyển chiếc xe thật chậm từ phía cửa buồng ra phía cửa lớn, rồi dừng ở đó. Với chiếc xe này, Sợi có thể ra ruộng ngô, ruộng khoai làm cỏ, lấy rau lợn, Sợi có thể đi thăm lúa và đến thăm nhà bà con trong bản. Nhưng không mấy khi Sợi làm những việc đó. Sợi chẳng làm gì cả. Giống như nài ngựa, Sợi chỉ cần cái roi bọc đồng là mọi việc đâu vào đấy cả. Cái roi bọc đồng của Sợi là nắm đấm nặng như búa, là lời nói đau như dùi nung xiên vào da thịt, là ánh mắt sắc như dao ngày nào cũng được liếc mài bằng những cơn giận giữ bất chợt… Tàm không ngồi xuống ghế, không uống chén nước rễ cây có màu đỏ hồng từ tay em dâu. Tàm đứng. Đôi mắt màu nâu sậm khẽ liếc qua lại dưới vòm lông mày rậm rì, kịp dừng lại ở cổ tay Phấn. Nơi đó có vết thương, nhưng có vẻ đã cũ rồi. Phấn cầm cái giẻ lau trong tay, khẽ phơ phẩy mặt ghế gỗ bám đầy bụi, đợi để nghe anh rể khuyên bảo. Tàm không nói gì, chỉ vào cái phích nước bẹp dúm ở xó cửa mà nói với Sợi. Cho thằng cò sang bên nhà mà lấy cái phích mới về dùng. Lần nào Sợi đập phá cũng thế, thằng bé lại chạy sang nhà Tàm mang về một thứ đồ, có thể cũ, có thể mới, để thay thế. Và lần nào cũng vậy, có một người đàn bà mù ngồi trên bậc thang cao nhất, khua khua cái gậy mà chửi đổng. Không đập nát cái mặt nó ra, lại đập phích, đập ấm chén bát đĩa làm gì? Ngu thế không biết.
Năm ấy, nhà Sợi xảy ra ba việc lớn. Đầu tiên là việc Sợi đi lấy gỗ dựng nhà bị gỗ đè giập hai ống chân phải cắt từ đầu gối trở xuống. Cũng năm ấy, người chị gái duy nhất của Sợi bị ốm sốt rất cao, thuốc mấy lang trong vùng đều thua. Bố Sợi thương con gái, vào rừng tìm thuốc thì bị rắn độc cắn trong rừng, chỉ kịp ra đến bờ suối là chết. Sau đám tang bố thì chị gái Sợi cũng không còn nhìn thấy gì. Đám ma của bố Sợi kéo dài tới năm ngày mới hết cỗ, hết người. Số gỗ để dành tính chuyện dựng nhà sàn đã bán hết. Số gạo, rượu, thịt, nợ của bà con trong bản quá lớn, đủ để Sợi không thể nào gượng dậy. Sợi cứ nhắm mắt, bịt tai, phó mặc tất cả cho người vợ tuổi đôi mươi, bụng mang dạ chửa cồng kềnh. Bên nhà chị gái, một mình Tàm cật lực xoay sở để vừa lo thuốc men cho vợ, nuôi đàn con lít nhít bốn đứa và hai bố mẹ già nên cũng chả giúp được gì cho Sợi. Được vài năm gì đó, Tàm mạnh dạn vay tiền ngân hàng để lấy vốn thu mua, đắp lò thái sấy củ mài bán cho thương nhân trên thành phố. Cũng là tạo việc làm cho hai đứa con gái lớn đã bỏ học. Rồi người trong bản ngửi thấy hơi tiền trong túi Tàm nên đua nhau làm theo. Nhiều nhà trở nên khá giả, dư dật.
Trông người lại ngẫm đến mình, Sợi cảm thấy mình thua kém thiên hạ nhiều quá. Cũng là con người, như thế chẳng phải là trời thiếu công bằng hay sao? Sợi rất ranh mãnh. Sợi giục Phấn đi vay tiền để xây cái chuồng lợn. Phấn bảo vay đâu bây giờ? Sợi chỉ Phấn sang nhà trưởng bản. Phấn giẫy nẩy. Vợ trưởng bản vừa chết chưa được một năm, với lại cái người đàn ông mới năm mươi, trông cứ thế nào ấy. Thế cái con mẹ mày, đã nghèo còn ngu. Mày sang vay, thế nào nó cũng cho. Phấn cắn môi bước liều. Phấn ra đến sân, Sợi gọi giật vào, bắt thay cái áo phin màu cháo lòng và loang lổ sữa ở ngực ra, mặc cái áo lon mới màu hồng vào. Phấn răm rắp làm theo. Đúng như Sợi nói. Chả ai ăn thịt Phấn cả. Ông trưởng bản sau khi cho Phấn vay hai triệu bạc còn hứa hẹn rằng Phấn có khó khăn gì thì cứ sang, đừng ngại. Người đàn bà mới hăm hai tuổi, thấy người dưng tốt thế, không nỡ từ chối một bàn tay vừa đặt trên vai mình. Rồi Phấn run rẩy ra về, kể lại cho Sợi nghe không sót lời nào. Sợi khôn lắm. Cứ để cái lão trưởng bản đang phát điên phát cuồng vì đói khát đàn bà đấy đã. Sợi chỉ cho Phấn đến nhà nào trong bản là Phấn trở về đầy tay lần ấy. Gã nào nhìn thấy Phấn cũng dốc túi để người đẹp thấy hết cái bụng cái dạ mình. Đương nhiên là Phấn có hứa hẹn.
Nhờ cái kế sách ấy mà Sợi mua được lợn giống, xây được chuồng lợn và sửa lại được cái mái nhà dột kinh niên. Đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của vợ con những thằng dại gái cả. Chứ mày nào có tài cán gì? Sợi thường ném vào mặt Phấn câu ấy trước khi đẩy Phấn bước vào màn kịch mới.
Nhưng, sau hết lần này lần khác hò hẹn mà không thấy Phấn trả tình như đã hẹn. Bọn đàn ông giở mặt đòi tiền. Phấn không phủi tay, nhưng lại bảo họ đến gặp Sợi. Gặp Sợi, Sợi trơ chẽn bảo. Mày chén vợ tao rồi còn đòi gì nữa. Mà tao cũng chả nhìn thấy cái đồng tiền của mày mặt ngang mũi dọc ra sao. Đám đàn ông bị quỵt tiền ngậm đắng nuốt cay và rỉ tai nhau rằng, hết thảy mười mấy thằng đàn ông máu mặt trong vùng này đều ăn quả đắng nhà thằng cụt hết. Mẹ kiếp, con vợ nó, cứ để đấy, tao mà gặp trong rừng, tao vật cho tơi tả. Nhưng chẳng ngon thế đâu. Không bao giờ Sợi cho Phấn đi rừng một mình cả. Lần nào cũng có hai đứa cháu con nhà Sáo đi cùng. Đi chợ phiên cũng thế. Và dù ai đó có trêu chọc Phấn câu nào, ngồi nhà Sợi cũng biết hết. Để xem, có thằng nào dám cắn lưỡi mà chết không? Tiền… tiền. Tiền thì là cái quái gì.
Một dạo, cái ti vi hỏng, chữa lên chữa xuống vẫn không xem rõ mặt người nói. Sợi muốn mua cái mới rồi, cầm chắc là Phấn có tiền nhưng cứ hỏi là Phấn lại bảo không có. Tao ăn cơm giữa nồi, tao ngủ trên bụng mày mà tao lại không biết mày nghĩ gì à? Sợi thừa biết Phấn ấp ủ một chuyến về quê thăm nhà. Từ ngày cưới được Phấn đến giờ, có mấy lần mẹ và em Phấn dắt díu nhau sang thăm, chứ Sợi đã cho Phấn về lần nào đâu. Đi lại tốn kém đã đành. Mà Sợi còn sợ rằng Phấn mà thoát ra khỏi tay Sợi thì Phấn không còn trở về đây nữa. Nhà Phấn ở cách xa đây lắm, cả ngày đường đi xe còn chưa tới. Sợi không đếm được là cách bao nhiêu quả núi, bao nhiêu con suối, bao nhiêu cái dốc dài dốc ngắn. Sợi chỉ biết rằng Phấn sinh ra là để làm vợ Sợi. Thế thôi, con gái đã gả bán cho nhà người thì ăn hết tiền, uống hết rượu, là hết con. Hôm ấy, đang xem dở phim Hàn Quốc. Bộ phim có đứa con gái đẹp và ăn nói dễ nghe thế nhưng số phận quá khổ. Nó cứ bị mẹ chồng vặn vẹo, bắt bẻ suốt ngày vì những cái tội chả đâu vào đâu. Lại còn bị vu khống cho là xúi giục chồng đuổi em cô ra ngoài giữa đêm mưa gió. Đấy, ở nước người ta tân tiến, mà đàn bà đi làm dâu còn khổ thế. Chả bù cho mày. Chẳng phải làm dâu ai cả vì khi mày về nhà này thì mẹ tao đã chết từ lâu rồi. Có bà chị hay soi mói, chọc ngoáy thì từ ngày bị mù ngồi yên một chỗ, không đi đâu được. Sướng thế mà không biết thân biết phận. Lại còn…
Cái ti vi sôi lên một lúc rồi mất màu. Những cái vạch ngang màu xanh nhập nhằng chạy lên xuống khiến Sợi khó chịu. Sợi tắt ti vi rồi quát vợ. Đi tìm tiền về để tao mua cái ti vi mới. Phấn cau mày, nhìn Sợi, hỏi lại. Tìm ở đâu? Giờ làm gì còn ai cho vay? Sợi ngồi nghệt một lúc rồi bỗng lùi cái xe lăn lại gần Phấn, nói dửng dưng. Thằng Tàm có nhiều tiền đấy. Phấn giật bắn người, ngạc nhiên nhìn Sợi rồi nhìn hai đứa con đang ngồi chầu ti vi. Sợi trừng mắt. Nhìn gì, mày đừng có giả vờ. Mày lại không biết là nó đang thích mày hay sao? Thằng đếch nào mà chả có… Sau câu nói tục tĩu, Sợi còn phỉ nước bọt, như thể nhắc tới cái của nợ của thằng anh rể thì bẩn mồm lắm. Phấn tần ngần một lúc rồi vào buồng, thay quần áo như mọi lần.
Trăng thượng tuần mảnh mai treo la đà trên ngọn cây hồng rừng phía cổng nhà Tàm. Phấn cẩn thận kéo ngọn rong tre sang một bên rồi nghiêng người bước vào. Có tiếng chó con sủa lách nhách. Có tiếng bước chân người đi xuống cầu thang. Rồi tiếng Tàm quát chó. Khi ánh đèn pin trên tay Tàm quét qua mặt em dâu thì Tàm đứng khựng lại, lắp bắp. Mợ sang có việc gì? Phấn cúi đầu không nói gì, định đặt chân lên bậc cầu thang thì Tàm ngăn lại. Bàn tay nóng hôi hổi của Tàm chộp lấy bàn tay lành lạnh của Phấn mà thì thào. Đừng lên nhà, cần bao nhiêu? Phấn sững người. Sao Tàm biết Phấn đến để vay tiền? Có lẽ nào chuyện Phấn vay tiền của bọn đàn ông trong bản Tàm đều biết? Biết là Phấn có vay mà không có trả, sao Tàm còn hỏi Phấn cần bao nhiêu? Hay Tàm nghĩ rằng sớm hay muộn thì Phấn cũng tìm đến? Phấn bủn rủn chân tay. Tàm cầm tay Phấn kéo tuột một mạch ra chiếc lều ngay cạnh lò sấy củ mài. Lều kê độc chiếc giường một và có cái chăn mỏng để Tàm ngủ những lần sấy mài qua đêm. Sau khi ấn Phấn ngồi xuống chiếc giường đó thì Tàm quay trở lại nhà sàn. Một lúc sau thì Tàm bước vào lều, đưa cho Phấn một sấp tiền đầy mùi khói và bảo. Nó muốn có cái ti vi mới phải không? Mai mua cho nó. Phấn gật đầu. Mọi khi, nhận tiền của những gã đàn ông háo sắc xong, Phấn thường kiếm cớ để bỏ về thật nhanh và hành vi quỵt tình của Phấn đã trở nên thuần thục. Nhưng lần này, không hiểu sao, Phấn lại không muốn quỵt tình anh rể. Có nhẽ, với người nhà, sòng phẳng thì hơn chăng? Hay là chính Phấn cũng đã chờ đợi giây phút này từ rất lâu rồi? Hay Phấn động lòng vì kể từ khi Phấn về đất này làm dâu, chỉ có anh rể tốt với Phấn? Không có số tiền anh rể đưa cho thì giờ này vợ chồng Phấn còn ngập đầu trong nợ nần. Thấy Phấn nấn ná ngồi lại, Tàm đưa tay khẽ chạm vào vai Phấn. Phấn cũng đưa tay lên, nắm chặt lấy bàn tay anh rể. Khi hai bàn tay tội lỗi đổ mồ hôi nhớp nháp là khi Phấn đã nằm gọn trong lòng Tàm. Tàm lấy vợ hơn tuổi. Giờ người đàn bà gần năm mươi mù lòa gầy héo như mớ rêu suối phơi nắng thì Tàm vẫn còn đương cái sức trai nồng nàn, hừng hực. Như con gấu đói vớ được bọng mật ong, Tàm ngấu nghiến trong khát thèm đến tận khi tiếng ho của mụ vợ như cuốc kêu ở ngọn thang nhà sàn vọng vào tai Tàm, Tàm mới buông Phấn ra cho Phấn về.
Một gã đàn ông khôn lanh như Sợi, không lẽ lại không hiểu rằng vợ mình đã thay đổi rõ rệt kể từ cái đêm ấy. Nhưng Sợi nghĩ, nếu Sợi rắp tâm rình rập để lôi hai kẻ khốn nạn ra mà sỉ vả, làm nhục thì Sợi được gì? Không được gì cả. Sợi sẽ mất hết. Tàm sẽ bỏ rơi chị gái Sợi cùng đàn cháu nheo nhóc rồi cuốn theo Phấn đi đến tận nơi nào đó mà ung dung sống với nhau. Thiếu Phấn, Sợi thậm chí còn không lo nổi cho bản thân mình lúc đau ốm, chứ nói gì đến hai đứa con? Mà để chúng ngang nhiên ở với nhau, có lẽ Sợi cắn lưỡi mà chết. Làm thế nào để tách hai con thú hoang ấy ra khỏi nhau được? Sợi thật không ngờ Phấn lại có thể hư hỏng đến thế. Không ngờ cái giá của những tính toán lại lớn đến nỗi Sợi không còn cơ hội để trả như bây giờ. Sợi nghĩ ngày nghĩ đêm. Mới hơn ba chục tuổi đầu mà trông Sợi già khọm, trong khi Phấn phơi phới trẻ đẹp. Hồi bố Sợi còn sống, việc lớn việc nhỏ trong họ, ông vẫn thường tin tưởng Sợi mà kể hết. Ông bảo Sợi là người có tài đoán biết và lo liệu êm xuôi mọi việc. Một kẻ đa mưu túc kế như Sợi mà lại không nghĩ ra cách gì để trị con vợ hư đốn thì kém quá. Chẳng thế mà hồi trước, lúc Sợi đi làm trên thành phố, cùng công ty với Phấn, bao nhiêu thằng nhăm nhe tán tỉnh Phấn, mà Phấn lại vào tay Sợi chỉ sau có một đêm.
Hôm ấy, sau bữa tối, Sợi lè nhè giả say. Khi Phấn bế Sợi lên giường thì Sợi vờ kêu lên. Hôm nay là ngày con Én đẻ đấy. Mày không đi thăm nó à? Phấn ngơ ngác. Ừ, con Én đẻ rạng sáng nay thật, cổng nhà nó cắm lá làm dấu. Nhưng con Én đẻ thì liên quan gì đến Phấn mà Phấn phải thăm? Thấy Phấn sững sờ, Sợi lại vờ rên rỉ. Nó đẻ con trai cho Tàm đấy. Anh rể giỏi thật. Phấn giật bắn mình. Én là đứa đàn bà chồng chết từ năm mười tám tuổi. Én làm cái nghề mà người Kinh vẫn gọi là “làm tiền” tận trên thành phố đến mấy năm mới trở về cất nhà cạnh nhà mẹ và sinh con. Những lời của Sợi thật ác, nó khiến ngực Phấn đau buốt như vừa ngã vào đống cọc nứa và tê tái như trằm trong nước suối lạnh. Sau khi quan sát kĩ thái độ của Phấn, Sợi mới nói. Mày đừng có tưởng bở, thằng Tàm chẳng tử tế gì đâu, gái bản này, nó thuộc cạp váy từng đứa. Nó nhiều tiền mà, ngủ với đứa nào chả được. Nó có cho gì, thì cứ nhận hết…
Kể từ hôm đó, được Sợi thả lỏng, Phấn cũng chẳng cần phải nhân danh chuyện vay mượn mới đến tìm Tàm nữa. Ngọn lửa yêu đương hừng hực cháy trong lòng, khiến Phấn thấy lâng lâng hạnh phúc. Rồi nhà Tàm có cái gì, nhà Phấn có thứ đó. Con Tàm có gì, con Phấn có thứ đó. Nay Sợi làm vỡ cái phích, mai Sợi đập cái nồi, Tàm lại cung ứng hết. Lạy trời, cái lộc trôi vào Tàm thật là dồi dào, Tàm làm gì cũng nên ăn, trồng gì cũng nên gặt, nuôi gì cũng béo tốt, mua qua bán lại đều thắng. Tàm đeo trên cổ cái dây vàng lóng lánh có giá bằng cả con trâu đực thì cổ Phấn cũng có một cái tuy nhỏ hơn nhưng lại rất đẹp, nó khiến cái cổ Phấn như trắng hơn, tròn hơn, cao hơn và Sợi cay cú càng nhiều hơn.
Sáng nay, Phấn đi lấy mạ về sớm, Phấn cằn nhằn cấy một mình lâu lắm, bản cấy xong hết rồi. Sợi gầm lên. Cái con mẹ mày, đồ đĩ thõa, thế mày đòi mấy mình cấy cùng để tao còn biết? Nói rồi, Sợi tỉ tót, mai mỉa kể tên từng thằng mà Phấn đến để vay mượn, nhờ vả, bảo Phấn đi gọi chúng nó đến cấy cho, chúng nó chọc dùi giỏi thì cấy cũng giỏi đấy. Phấn gắt lên. Đừng nhắc đến họ nữa, nợ nần bao nhiêu trả hết rồi. Sợi ngạc nhiên. Tiền đâu mà trả? Phấn im lặng. Sợi nghiến răng ken két nghĩ ngay đến thằng anh rể đốn mạt. Chỉ có Tàm mới có tiền và mới dám bỏ tiền ra chuộc lại danh dự cho mày thôi. Chứ ai vào đây. Cơn tiếc của dậy lên trong lòng Sợi. Bao năm nay, cái tiếng cưới được vợ đĩ, Sợi mang chứ thằng Tàm mang chắc? Vậy mà giờ này… Đồ ngu, sao lại mang mấy chục triệu bạc đi trả cho cái bọn ấy? Lũ chúng nó không tằng tịu với Phấn bằng mông thì cũng bằng mồm, chán cái mồm rồi, còn nợ nần gì nhau nữa mà phải trả? Sợi chồm người lên khỏi cái xe lăn, tóm áo Phấn vít xuống. Sợi vớ lấy búi tóc của Phấn mà xoắn cho đau điếng. Rồi một tay giữ tóc, một tay cứ nhằm mặt Phấn mà đấm vào không thương tiếc. Phấn giãy giụa một lúc mới gỡ được bàn tay của Sợi ra, thoát chạy ra sân. Sợi thở hổn hển, chỉ tay vào mặt Phấn, ra đòn chí mạng. Tao báo cho mày biết, con Én si đa lâu rồi nhá. Thằng Tàm cũng bị lây rồi, nên nó mới tiêu tiền như ném trấu, vì nó có biết sống chết lúc nào đâu. Chính nó bảo tao, cái hạng mày một xu không đáng. Tao nghĩ trong người mày cũng có con si đa rồi đấy. Phấn, tay ôm mồm đầy máu, tay ôm bụng đầy cay đắng, ngã xuống sân như cây chuối tơ bị đốn ngang. Một xu không đáng ư? Lần này thì tim Phấn như chết hẳn. Bao nhiêu năm rồi, cái tay cái chân của Phấn sống vì Sợi, nhưng quả tim Phấn đập vì Tàm. Lần này, Tàm giết Phấn rồi.
Sợi cót két lăn xe từ nhà Tàm trở về, vẻ mặt đắc thắng. Không biết trong cuộc rượu, Sợi đã nói gì vào tai Tàm mà cái mặt Tàm bạnh ra trông như con hổ mang độc bị nhốt trong lưới. Hai mắt Tàm như lồi ra ngoài. Hai bàn tay Tàm nắm chặt lại đến nhức nhối dù không đấm, không đập vào đâu. Đằng sau Tàm là nếp nhà sàn, nơi Tàm sống gần hai mươi năm với vợ mà không hề biết tình yêu là cái quái gì. Phía trước mặt Tàm là cái lò sấy củ mài sừng sững. Nơi ấy, có lần Phấn bảo, đời Phấn giống như cái dái mài treo lủng lẳng trên dây, không ăn được, vì vừa ngứa, vừa nhớt, vừa chát. Kể từ khi gặp Tàm, cái dái mài như được vùi xuống đất, rồi nở thành cây, thành củ, vừa trắng vừa ngọt. Nhưng cái phận củ mài đâm xuống, kiếp nào rồi cũng khổ thôi. Tàm cũng từng nói, những lần thấy Phấn bầm dập vì đòn chồng, Tàm đau lắm, chỉ muốn rũ bỏ tất cả, đưa mẹ con Phấn đi đâu đó thật xa nơi này. Vậy mà… tất cả là dối trá. Phấn đã ăn nằm với bao nhiêu gã trong bản rồi mà Tàm vẫn ngây thơ tưởng rằng đó chỉ là lời đồn thổi, ganh ghét và còn nguyện một lòng một dạ thương yêu Phấn.
Đêm đã muộn, trăng mỗi lúc một tỏ. Tàm thấy ruột gan như ngâm trong thùng nước muối, xót không thể chịu được. Tàm lấy con dao đi nương dắt vào thắt lưng rồi lặng lẽ bước vào trăng. Trăng dắt Tàm đến thẳng cổng nhà người tình. Cửa mở toang, trăng rọi vào lòng nhà ngổn ngang đổ vỡ. Một giường, hai đứa trẻ quắp nhau ngủ. Một giường, Sợi nằm thu lu, ngáy vang. Sau một hồi sục sạo không thấy Phấn đâu cả, Tàm sốt ruột. Hay là Phấn đi quê? Tết chả đi thì thôi, giờ đã cuối tháng Giêng rồi, đi làm gì? Phấn làm gì có gan bỏ lại hai đứa con mà đi đâu một mình? Hay là Phấn lại mò vào bản… như lời Sợi kể. Sợi bảo rằng cái thân Phấn bẩn thỉu tanh tưởi vô cùng. Một đêm nào không có đàn ông để Phấn vầy vò, Phấn không chịu được. Tàm thấy lòng ngột ngạt, bế tắc. Sợi nói thế, có tin được không? Con người Sợi vốn đã không bình thường rồi, sao lời nói có thể bình thường? Mà cũng phải thôi, với từng ấy nỗi đau về thân xác và tinh thần, làm sao Sợi có thể bình thường được nữa. Có phải vì điều này mà Phấn cam tâm ở lại bên Sợi không? Và cũng vì điều này mà Tàm không nỡ cướp Phấn ra khỏi tay Sợi không? Đầu óc Tàm bùng nhùng như mớ chỉ rối. Đúng lúc ấy, Sợi cất tiếng lè nhè, không rõ tỉnh, chẳng rõ say. Sợi gọi tên Phấn. Rồi nước mắt Sợi tứa ra trên khuôn mặt dúm dó đau khổ. Tàm thấy nóng mặt, tay Tàm quờ quạng, chạm phải cán dao ở thắt lưng. Đầu Tàm sục sôi suy nghĩ, sẽ có đứa phải chết đêm nay. Tàm đi hết lượt cả chục cái lò sấy củ mài trong bản, sộc vào bất cứ nhà nào còn sáng ánh đèn. Nhưng vẫn không thấy Phấn.
Ánh trăng nhàn rỗi đưa Tàm đi khắp nơi. Đến nỗi cơn đau trong ngực Tàm đã tê dại đi. Rồi trăng đưa Tàm về phía vùng ruộng thấp ở cuối bản. Ngoài ấy có một cái lều để rơm rạ và phân chuồng, có lẽ Phấn đang hú hí với thằng nào ở đó. Tàm cố bước cho kịp trăng. Chỉ sợ bị trăng bỏ rơi, mình Tàm không đủ sức làm cái chuyện ấy. Vì cái con đàn bà đó, dù có tanh tưởi, bẩn thỉu đến thế nào, thì Tàm cũng đã chót yêu rồi. Tàm vẫn muốn được ở bên cạnh nó. Kiếp này không được ở cạnh thì phải cùng nhau mau chóng bước vào kiếp khác. Từ xa, Tàm thấy rõ một bóng người đang lom khom dưới mảnh ruộng nhà Phấn. Lại gần, Tàm nhận ra Phấn. Phấn đang cấy. Lúa xung quanh đã bén chân cả rồi, chỉ còn mảnh ruộng nhà Phấn thôi. Người Tày bản Phùng cấy, mấy chục mảnh mạ cũng chỉ nhờ tay người một ngày là xanh đồng. Người bản Phùng gặt, cũng chỉ nhờ liềm người một ngày là thóc về đầy sân. Chứ không như nhà Phấn. Năm nào Phấn cũng cùi cũi cấy một mình. Đàn bà ở đây, chả ai ưa cái đứa gái Dao ấy cả, họ bảo nhau từ chối Phấn nếu Phấn có nhờ. Họ bảo Phấn vừa đẹp vừa đĩ, nên đáng kiếp quanh năm vá đồng. Lúa nhà Phấn chín muộn, chín không đều, gặt sau cùng nên mùa nào cũng bị chuột và sâu bọ ăn mất nửa.
Tàm bặm môi, rút con dao sắc lẻm ra ngắm nghía, rồi bất thình lình cắm phập xuống bờ ruộng. Ngửa cổ nhìn trăng, trăng tròn vạnh ngơ ngác. Cúi nhìn đồng, miếng vá long lanh và những vệt nước chạy tròn lung linh huyền ảo. Những giọt nước mắt Tàm thi nhau bò ra, loang vào trăng. Cái bóng Phấn nhỏ nhoi, nhạt nhòa giữa màu xanh mới mẻ của mạ xuân khi bước vào vùng bùn mới.
>>>>> Đọc truyện tâm lý xã hội